Với các dự báo tích cực về nhu cầu thuê đất công nghiệp và làn sóng dịch chuyển FDI, nhiều địa phương đã mở mới các khu công nghiệp ngay đầu năm 2023.
Đáng chú ý là tỉnh Hà Nam. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký văn bản đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung 4 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh này vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam.
Cụ thể, 4 KCN được bổ sung vào quy hoạch gồm: KCN Đồng Văn V với diện tích quy hoạch 250ha ở phường Tiên Nội, xã Tiên Ngoại và xã Yên Nam, thị xã Duy Tiên; KCN Đồng Văn VI có diện tích quy hoạch 250ha ở các xã: Tiên Ngoại, Yên Nam và Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên; KCN Kim Bảng I có diện tích quy hoạch 230ha ở các xã: Lê Hồ, Đại Cương và Đồng Hóa, huyện Kim Bảng và KCN Châu Giang I với diện tích quy hoạch 210 ha ở phường Châu Giang, xã Mộc Nam, xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên.
Nổi bật không kém là tỉnh Hải Dương. Địa phương này đang cùng lúc triển khai xây dựng hạ tầng 6 KCN mới gồm: Gia Lộc, An Phát 1, Kim Thành, Tân Trường mở rộng, Đại An mở rộng và Phúc Điền mở rộng.
Trong đó KCN Phúc Điền mở rộng có tổng diện tích 214,57ha, thuộc địa phận các xã Vĩnh Hồng, Vĩnh Hưng và Hùng Thắng (Bình Giang). KCN này có hạ tầng giao thông khá thuận lợi khi có quốc lộ 5 chạy qua và nằm gần đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Trong 6 KCN mới, An Phát 1 có tổng diện tích 180ha là KCN đầu tiên được tỉnh bàn giao mặt bằng nên có lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư. Hơn nữa do bám quốc lộ 37 ở phía tây và đường vành đai II TP Hải Dương ở phía bắc nên KCN này có vị trí địa lý rất thuận lợi trong giao thương kinh tế và vận chuyển hàng hoá.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương, 6 KCN mới đang triển khai có tổng diện tích bằng 77% diện tích 11 KCN đang hoạt động. Các KCN mới được nhận định có lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư do trong những năm gần đây, số dự án mới đầu tư vào các KCN không nhiều do diện tích đất có thể cho thuê chỉ còn khoảng 140 ha./.